Trường mầm non Việt Úc

Nơi ươm mầm tinh hoa

2 3 4 5 26 27

Mẹ và bé

Tám cách thông minh giúp trẻ không nghiện thiết bị công nghệ

Tám cách thông minh giúp trẻ không nghiện thiết bị công nghệ

Bố mẹ cần xác định thời gian tối đa con được sử dụng thiết bị công nghệ theo độ tuổi, thời điểm thích hợp trẻ được dùng mạng xã hội...

Ngày nay, quá nhiều trẻ em quen thuộc và sử dụng thành thạo máy tính, điện thoại thông minh và máy tính bảng từ khi còn rất nhỏ. Xu hướng này là mối lo ngại của bố mẹ, bác sĩ nhi khoa, nhà tâm lý học vì những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra do sử dụng quá mức. Bride Side chỉ ra tám cách cơ bản để việc tiếp cận các thiết bị công nghệ đó trở nên phù hợp và lành mạnh hơn.

1. Xác định thời gian tối đa con được dùng thiết bị công nghệ

Thời gian tối đa mỗi ngày để con xem TV hay sử dụng các thiết bị số phụ thuộc vào độ tuổi. Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ đưa ra khuyến cáo:

- Trẻ dưới 18 tháng tuổi không được phép truy cập các thiết bị công nghệ, kể cả TV, ngoại trừ những lúc gọi điện trực tiếp dưới dạng video call với người thân.

- Đối với trẻ từ 2 đến 5 tuổi, thời gian tiếp cận các thiết bị không quá một giờ mỗi ngày, bao gồm truy cập điện thoại thông minh, TV, máy tính bảng và máy tính xách tay, máy tính để bàn.

- Đối với trẻ trên 6 tuổi, bạn có thể tùy đặt một giới hạn thời gian phù hợp (hầu hết chuyên gia cho rằng tối đa là hai tiếng mỗi ngày). Điều quan trọng là bạn phải đảm bảo được việc truy cập thiết bị không làm mất thời gian nghỉ ngơi, hoạt động thể chất và hoạt động cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của con.

2. Đừng cấm, hãy đưa ra những lựa chọn khác cho con

Lấy điện thoại, máy tính từ tay con và nói "Đi làm việc khác đi" là cách trực tiếp dẫn đến mâu thuẫn, xung đột giữa bạn và con. Vì vậy, đừng cấm chúng bằng cách đó. Hãy gợi ý chúng tham gia một số hoạt động như chơi thể thao, vẽ, đọc, câu cá... tùy thuộc vào độ tuổi và sở thích để con có thể lựa chọn.

tam-cach-thong-minh-giup-tre-khong-nghien-thiet-bi-cong-nghe

Ảnh minh họa: Bright Side

3. Hãy là một tấm gương tốt cho con

Con thường bắt chước hành vi của bố mẹ. Nếu bạn đọc sách, khả năng con cũng muốn đọc sách sẽ cao hơn nhiều khi bạn dành phần lớn thời gian cho điện thoại.

Hãy kiểm tra xem bạn đã dành bao nhiêu thời gian cho những thiết bị công nghệ? Bạn kiểm tra email, cập nhật tin tức bao nhiêu lần trong ngày và bao nhiêu lâu trong một lần? Bạn có ngày nào không truy cập Internet và các thiết bị số không?

4. Hướng dẫn con tiếp cận thế giới số đúng mục đích

Hãy giải thích cho con biết Internet và các thiết bị kỹ thuật số không đơn thuần chỉ giúp con người giải trí mà còn là nguồn thông tin và kho kiến thức khổng lồ để con học tập.

Hãy khuyến khích con khám phá kiến thức bổ ích trên Internet và đặt câu hỏi. Hãy sẵn sàng phản hồi và chia sẻ kinh nghiệm của bạn với con.

5. Chú ý đến chất lượng nội dung mà con quan tâm

Bạn phải kiểm soát được mọi nội dung con xem khi truy cập Internet ít nhất cho đến năm con 9 tuổi. Sẽ tốt hơn nếu con truy cập vào các chương trình giáo dục và địa chỉ giúp phát triển nhiều kỹ năng. Vì vậy, hãy giới hạn một số trang web có sẵn cho con.

6. Đặt ra quy định về khu vực không sử dụng Internet và thiết bị số trong nhà

Bạn cần đặt ra quy định về không gian và thời gian mà thành viên trong gia đình không được sử dụng Internet và thiết bị số, ví dụ phòng ngủ, phòng ăn, thời gian không sử dụng là bữa ăn tối hay khi chơi ngoài trời... Đừng đặt một chiếc máy tính trong phòng của con. Hãy cho con biết rằng không nên mang theo máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh vào phòng ngủ hoặc bàn ăn.

Các bác sĩ nhi khoa cũng khuyên không nên sử dụng thiết bị kỹ thuật số một giờ trước khi đi ngủ.

7. Giúp con hiểu nguyên tắc khi truy cập Internet và tránh những sai lầm

Sẽ tốt hơn nếu con bạn không dùng mạng xã hội trước 12 tuổi. Nhưng khi con đã trở thành thiếu niên, bạn nên cho con dùng bởi đây là giai đoạn chúng học được cách hiểu bản thân và tự giới thiệu với người khác. Điều quan trọng là bạn phải gần gũi và giúp con hiểu rõ các nguyên tắc trên thế giới trực tuyến.

Bạn không nên kết bạn với con trên mạng xã hội và đặc biệt không bình luận bài viết và hình ảnh của chúng. Hãy nhớ rằng con bạn được quyền có không gian cá nhân.

8. Cảnh báo cho con những rủi ro

Một khi cho phép con truy cập Internet mà không thể giám sát, bạn cần cảnh báo cho con những rủi ro tiềm ẩn. Phải giải thích để con biết phải làm thế nào trước những hành vi bắt nạt trên Internet; tại sao phải cài đặt bảo mật và làm thế nào để điều chỉnh nó; hậu quả của việc mở quyền truy cập thông tin cá nhân; tải các tài liệu không rõ nguồn gốc...

Hãy giải thích để con hiểu rằng mọi thứ thông tin trên tiện ích Internet đều được công khai và sẽ tồn tại trên đó mãi mãi. Vì vậy, mọi thông tin cá nhân công khai cần được xem xét thận trọng. 

Dương Tâm

Bài đăng khác

Processing...