Trẻ thông minh hơn nếu mẹ cùng trẻ làm 4 việc này từ khi trẻ 2 tuổi
Trẻ 2 tuổi có những bước phát triển “vàng” mà các bậc cha mẹ không nên bỏ qua. Vì thế, khi bước vào giai đoạn này, ba mẹ cần tìm hiểu tâm sinh lý của trẻ để nắm bắt cách chăm sóc và dạy trẻ 2 tuổi một cách tốt nhất có thể, giúp con phát triển hơn cả mong đợi nhé.
Tập cho trẻ sử dụng ngôn ngữ
Giai đoạn trẻ 2 tuổi có thể nói là giai đoạn “mẫn cảm” với ngôn ngữ nhất trong suốt cả cuộc đời. Thông thường, trẻ 2 tuổi đã bắt đầu biết nói những câu nói đơn giản hoặc những đoạn đối thoại ngắn với người lớn. Tuy nhiên, thời gian này, vốn từ của trẻ thì chưa đủ để diễn đạt hết những hiểu biết của trẻ.
Kiên nhẫn là điều cần thiết mà ba mẹ cần làm trong lúc này. Bố mẹ cần tạo thật nhiều cơ hội, cho trẻ thêm nhiều thời gian để trẻ nói chuyện. Ba mẹ đừng quá chú trọng vào việc sửa ngữ pháp cho trẻ vì nó dễ khiến trẻ cảm thấy chán mà không muốn nói nữa. Thay vào đó, hãy cố gắng hiểu những gì trẻ muốn và kích thích trẻ thoải mái diễn đạt.
Ba mẹ đừng kỳ vọng quá nhiều vào trẻ bởi như thế chỉ khiến ba mẹ thêm thất vọng. Đôi khi thậm chí trẻ không buồn nói gì mà chỉ khóc, đó là lúc trẻ không đủ kiên nhẫn thể hiện điều mong muốn để diễn đạt bằng từ ngữ.
Sách luôn là “người thầy vĩ đại“. Vì trẻ 2 tuổi có khả năng nhạy cảm với ngôn ngữ nhất nên ba mẹ hãy cố gắng đầu tư mua sách cho con và đọc cho con nghe, chứ không chỉ cho con xem tranh. Hãy đọc nhiều lần cuốn nào mà con thích.. Bên cạnh đó, thơ cũng là tài liệu dạy con người ta về cái hay, cái quan trọng của ngôn ngữ tốt nhất. Ở độ tuổi này, không nhất thiết phải phân tích tỉ mỉ từng câu từng đoạn thơ, cũng không cần giải thích ý nghĩa của bài thơ, chỉ cần đọc đi đọc lại nhiều lần để trẻ thuộc và nhớ được là được.
Khi trẻ muốn tự mình làm mọi việc
Trẻ 2 tuổi luôn có ý muốn làm giỏi những việc của mình: rửa tay, buộc dây giày, cài cúc áo. Ba mẹ sẽ cảm thấy thật mất thời gian khi thay vì chỉ mất 1 phút giúp con đi giày thì bây giờ phải mất 10 phút khi con yêu cầu để con tự đi. Tuy nhiên, những việc này dù có mất thời gian cũng phải để trẻ tự làm.Ba mẹ hãy cố gắng giành nhiều thời gian, chịu khó dạy trẻ 2 tuổi cách làm để trẻ có học được những thói quen tốt từ sớm, vì đây có thể nói là giai đoạn “vàng” hình thành nên tính cách của trẻ sau này.
Ba mẹ cũng nên dạy trẻ 2 tuổi biết sắp xếp gọn gàng, tìm những việc nhà vừa sức với bé để bé làm như: lau bàn, lấy cái này, cất cái nọ, lau đĩa… Trẻ làm xong phải được khen thật nhiều. Quan trọng hơn là phải củng cố lòng tự tin cho trẻ.
Khi trẻ đòi quyền tự quyết
Bước vào giai đoạn 2 tuổi, trẻ bắt đầu nói “Không” với ba mẹ và đòi hỏi quyền tự quyết định cho bản thân mình. Thông thường, ba mẹ bắt con làm theo ý mình hoặc là cứ để trẻ làm theo cách trẻ muốn, khi con bạn hành động ngược lại với ý muốn của bạn. Cách xử trí tốt nhất lúc này là bạn có thể đồng ý cho trẻ làm những điều trẻ muốn bất cứ khi nào bạn chắc chắn rằng điều đó là an toàn. Ba mẹ hãy khéo léo cân bằng, để mọi việc không hoàn toàn theo cách của ba mẹ hoặc theo ý muốn của con.
Bạn cũng đặc biệt lưu ý là khi yêu cầu con nghe lời thì ba mẹ đừng khiến con hiểu lầm rằng: vì bố mẹ là người lớn thì có quyền bắt con làm theo ý mình, mà hãy giải thích lý do tại sao bố mẹ muốn con làm như vậy.
Khi trẻ phản kháng
Ba mẹ sẽ thường thấy hiện tượng này ở trẻ vừa đầy 2 tuổi và sẽ kéo dài trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tháng, đây là thời kì phản kháng đầu tiên của trẻ. Ba mẹ hãy thật sự bình tĩnh và kiên nhẫn nếu trẻ khóc vào những lúc này. Cách dạy trẻ tốt nhất lúc này là hãy đặt mình vào địa vị của trẻ, dạy cho trẻ cách nói diễn tả tâm trạng khó chịu lúc đó. Nếu con muốn gì, cảm thấy gì mà diễn đạt được hết bằng lời thì mọi thứ sẽ trở nên suôn sẻ hơn bạn nghĩ rất nhiều.
Giai đoạn dạy trẻ 2 tuổi thật không hề đơn giản, vì lúc này trẻ bắt đầu bước vào thời kì tự lập, muốn tách khỏi bố mẹ để tự làm việc này việc nọ. Việc gì trẻ cũng muốn tự mình làm, nên ở giai đoạn này ba mẹ sẽ thường xuyên thấy trẻ phản khách kịch liệt khi bị người lớn nói “không được”. Đôi khi, trẻ 2 tuổi sẽ có những biểu hiện bất mãn khi định làm gì mà không làm được: giậm chân, giãy nảy, lăn đùng ra đất ăn vạ.