“Học ăn, học nói, học gói, học mở” là 4 cái học đầu tiên và quan trọng của cuộc đời con người. Đối với bố mẹ, những tiếng nói đầu đời của trẻ không chỉ là niềm hạnh phúc của bố mẹ mà còn mở ra một chặng đường phát triển phía trước cho trẻ. Vì thế, dạy bé tập nói chính là bước đầu tiên phát triển kỹ năng ngôn ngữ cần thiết cho trẻ.
Trẻ bao nhiêu tháng biết nói?
Mẹ có biết rằng, trẻ bắt đầu phát ra những nguyên âm từ khi trẻ được 3 – 6 tháng. Bé đã có thể nói được “ba”, “da”, “ma” tuy còn mơ hồ và mẹ sẽ nghe không rõ. Theo thời gian, bé sẽ dần phát ra những âm thanh khác nhau và kéo dài. Bé sẽ nhìn vật xung quanh, sau đó nhìn người xung quanh, dùng cử chỉ hoặc âm thanh để chia sẻ thông tin về những gì bé thấy. Bé phát âm để bắt đầu cho việc liên hệ với người lớn.
Khi được 1 tuổi, bé sẽ bắt đầu thích thú nói chuyện dù chỉ là bập bẹ từng từ nên đây chính là lúc thích hợp nhất để mẹ dạy trẻ nói chuẩn câu. Tuy nhiên, nếu được, mẹ vẫn có thể dạy trẻ nói khi bé bắt đầu bi ba bi bô.
Những cách dạy bé nhanh biết nói
Khi dạy trẻ nói, mẹ có thể áp dụng những cách dưới đây để giúp bé nhanh biết nói và nói chuẩn câu hơn:
Hãy trả lời trẻ
Đây giống như cách mẹ khích lệ tinh thần cho bé nói. Khi bé bắt đầu những tiếng ú ớ thì mẹ nên trả lời hoặc hỏi trẻ muốn cái gì, nếu muốn cái này thì nói như thế nào. Cũng tương tự như vậy, khi trẻ khóc cũng là lúc bé muốn nói một điều gì đó với mẹ, mẹ nên hỏi xem bé muốn gì và dạy bé nói.
Mẹ học nói cùng trẻ
Dù bé mới bập bẹ, ê a… thì cha mẹ vẫn nên nói chuyện liên tục cùng bé. Khi còn nhỏ, bé sẽ tăng vốn từ vựng và dần biết nói thông qua việc lắng nghe người lớn nói chuyện với nhau.
Dù mẹ nói nhưng bé vẫn chưa nói được thì mẹ có thể giúp bé nói và cần phải kiên nhẫn vì quá trình hôc tập nào đối với một đứa trẻ cũng cần có thời gian. Đôi khi chỉ một câu nói bâng quơ như “Mẹ bế con nhé” hay “Con có yêu mẹ không”,… đều có tác dụng lớn với khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Hát và kể chuyện cho bé nghe
Đây được coi là hoạt động quan trọng trong quá trình phát triển ngôn ngữ ở bé. Bởi vì, hát và kể chuyện là công việc lặp lại nhiều lần, thông qua đó, bé sẽ ghi nhớ và tập “ê, a” theo. Nếu bé đã đến tuổi biết vỗ tay và nhún nhảy, mẹ nên kết hợp việc cho bé nghe mẹ hát với hoạt động thể chất là vỗ tay hoặc nhún nhảy sẽ là cách dạy trẻ tập nói hay nhất.
Nguyên nhân trẻ chậm nói
Nguyên nhân chính của việc trẻ chậm nói là do bố mẹ ít nói chuyện với con nên bé cũng ngại giao tiếp với mọi người hoặc do bé không nhận biết được ý nghĩa của những từ mới hoặc do bé mắc mộtdị tật bẩm sinh nào đó. Vì vậy, bố mẹ cần theo dõi một số dấu hiệu sau để phát hiện sớm những bất thường trong sự phát triển ngôn ngữ của trẻ (giai đoạn từ 1 – 3 tuổi):
- Không sử dụng điệu bộ, cử chỉ.
- Thích dùng cử chỉ hơn là lời nói để giao tiếp khi đến 18 tháng tuổi.
- Không bắt chước được âm thanh khi 18 tháng tuổi.
- Không thể tuân theo các chỉ dẫn đơn giản.
- Chỉ có thể bắt chước âm thanh hoặc hành động và không tự mình phát âm từ hoặc các cụm từ.
- Con có giọng nói khác thường như nói giọng mũi hoặc the thé.
Trẻ chậm nói phải làm sao?
Khi nhận thấy các dấu hiệu trẻ chậm nói, mẹ cần phải thường xuyên, liên tục nói chuyện với trẻ, giải thích cho trẻ những hiện tượng, sự vật sự việc xảy ra xung quanh bé; tận dụng mọi tình huống hàng ngày để khuyến khích trẻ nói và bộc lộ ngôn ngữ; dành nhiều thời gian trò chuyện với con và hạn chế cho con sử dụng tivi, điện thoại,…
Những lưu ý khi mẹ dạy trẻ tập nói
– Không nên lặp lại lỗi phát âm của trẻ vì như thế vô tình sẽ tạo thành thói quen, khiến trẻ dễ nói ngọng và càng khó sửa hơn khi lớn.
– Nếu trẻ có nói sai thì nhẹ nhàng nhưng phải kiên quyết uốn nắn ngay. Và mẹ nên nói lại từ đúng đó cho trẻ nghe.
– Không nên cắt ngang lời bé đang nói sẽ làm bé tụt hứng và làm mất cơ hội tập nói của trẻ. Thay vào đó, mẹ nên khích lệ trẻ phát ra hết âm thanh, dùng ngôn ngữ biểu đạt mong muốn của mình.
– Chỉ nên dạy cho trẻ những từ dễ trước, hạn chế dạy những từ khó sẽ làm bé nản ngya từ đầu và không muốn học nói tiếp.
– Nên thường xuyên cho trẻ giao tiếp với môi trường bên ngoài để trẻ có nhiều bạn bè, từ đó, bé sẽ nảy sinh nhu cầu muốn giao tiếp, muốn nói chuyện, muốn giao lưu với mọi người.
– Thật ra, người lớn là tấm gương rất thực cho trẻ con noi theo khi chúng bước vào tuổi “học ăn học nói”, vì thế bố mẹ nên chú ý cách cư xử, giao tiếp của mình để con học được những điều hay, tốt đẹp.