Suy dinh dưỡng khiến cho trẻ chậm phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. Chỉ cần bố mẹ để ý một chút đến con mình thì có thể biết bé nhà mình thể trạng như thế nào, có bị suy dinh dưỡng hay không. Khi nhận biết được những dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng sẽ giúp bố mẹ có cách chăm sóc trẻ hợp lý để trẻ mau chóng hết bệnh.
Trẻ bị suy dinh dưỡng thường chia thành 3 cấp độ:
- Trẻ suy dinh dưỡng độ 1: Trọng lượng chỉ còn 90% so với tuổi
- Trẻ suy dinh dưỡng độ 2: Trọng lượng chỉ còn 75% so với tuổi
- Trẻ suy dinh dưỡng độ 3: Trọng lượng còn dưới 60% so với tuổi
Suy dinh dưỡng ở trẻ em để lại những hậu quả hết sức to lớn. Vì vậy mà bố mẹ cần nắm rõ các dấu hiệu để nhận biết được tình trạng cơ thể của bé. Theo các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, suy dinh dưỡng trẻ em thường có các biểu hiện sau đây:
Trẻ chậm tăng cân hoặc đứng cân trong vòng 2 – 3 tháng
Đây được xem là biểu hiện rõ ràng nhất cho biết bé nhà bạn bị suy dinh dưỡng. Bố mẹ dựa vào bảng tiêu chuẩn chiều cao và cân nặng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sau đây để nhận biết con mình có bị suy dinh dưỡng hay không.
Đối với bé gái
Tuổi | Bình thường | Suy dinh dưỡng | Thừa cân |
0 | 3,2 kg – 49,1 cm | 2,4 kg – 45,4 cm | 4,2 kg |
1 tháng | 4,2 kg – 53,7 cm | 3, 2 kg – 49,8 cm | 5,5 kg |
3 tháng | 5,8 kg – 57,1 cm | 4, 5 kg – 55,6 cm | 7,5 kg |
6 tháng | 7,3 kg – 65,7 cm | 5,7 kg – 61,2 cm | 9,3 kg |
12 tháng | 8,9 kg – 74 cm | 7 kg – 68,9 cm | 11,5 kg |
18 tháng | 10,2 kg – 80,7 cm | 8,1 kg – 74,9 cm | 13,2 kg |
2 tuổi | 11,5 kg – 86,4 cm | 9 kg – 80 cm | 14,8 kg |
3 tuổi | 13,9 kg – 95,1 cm | 10,8 kg – 87,4 cm | 18,1 kg |
4 tuổi | 16,1 kg – 102,7 cm | 12,3 kg – 94,1 cm | 21,5 kg |
5 tuổi | 18,2 kg – 109,4 cm | 13,7 kg – 99,9 cm | 24,9 kg |
Đối với bé trai
Tuổi | Bình thường | Suy dinh dưỡng | Thừa cân |
0 | 3,3 kg- 49,9 cm | 2,4 kg – 46,1 cm | 4,4 kg |
1 tháng | 4,5 kg – 54,7 cm | 3,4 kg – 50,8 cm | 5,8 kg |
3 tháng | 6,4 kg – 58,4 cm | 5 kg -57,3 cm | 8 kg |
6 tháng | 7,9 kg – 67,6 cm | 6,4 kg – 63,3 cm | 9,8 kg |
12 tháng | 9,6 kg – 75,7 cm | 7,7 kg -71,0 cm | 12 kg |
18 tháng | 10,9 kg – 82,3 cm | 8,8 kg -76,9 cm | 13,7 kg |
2 tuổi | 12,2 kg – 87,8 cm | 9,7 kg – 81,7 cm | 15,3 kg |
3 tuổi | 14,3 kg – 96,1 cm | 11,3 kg – 88,7 cm | 18,3 kg |
4 tuổi | 16,3 kg – 103,3 cm | 12,7 kg – 94,9 cm | 21,2 kg |
5 tuổi | 18,3 kg – 110 cm | 14,1 kg -100,7 cm | 24,2 kg |
Ở độ tuổi từ 6 – 24 tháng tuổi là giai đoạn trẻ dễ bị suy dinh dưỡng nhất do lúc này, bé có nhu cầu dinh dưỡng cao, đang tập thích ứng với môi trường và rất nhạy cảm với bệnh tật; nhất là những trẻ không được bú sữa mẹ, sinh nhẹ cân, sinh non thiếu tháng hoặc sinh đa thai. Ngoài ra, các trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn như sởi, tiêu chảy hay trẻ bị viêm đường hô hấp cũng khiến bé dễ bị suy dinh dưỡng.
Trẻ thường bị rối loạn giấc ngủ
Suy dinh dưỡng có nguyên nhân sâu xa từ việc trẻ bị thiếu canxi. Khi thiếu dưỡng chất này, trẻ thường ngủ không ngon giấc, hay giật mình, quấy khóc về đêm, ra mồ hôi trộm… Nếu bố mẹ thấy con mình có biểu hiện này thì rất có thể bé có dấu hiệu suy dinh dưỡng. Lúc này, nên bổ sung ngay canxi cho bé từ các loại thực phẩm hoặc viên uống để tình trạng bệnh không chuyển biến nặng thêm.
Trẻ chậm biết đi, chậm mọc răng, da xanh xao
Do tình trạng suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến chức năng xương nên trẻ sẽ có dấu hiệu biết đi chậm hơn các trẻ khác do cơ xương chưa phát triển hoàn chỉnh. Đồng thời răng của trẻ cũng mọc chậm hơn, da dẻ xanh và khi chạm vào thấy nhão.
Trẻ kém linh hoạt, hay quấy khóc, buồn bực.
Suy dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ, nhất là trí não nên trẻ có xu hướng chậm phát triển hơn trẻ khác, đồng thời tâm tính trẻ hay buồn bực, quấy khóc.
– Ngoài ra trẻ bị suy dinh dưỡng còn có một số dấu hiệu sau:
- Tóc mọc thưa, rụng tóc ở vùng chỏm;
- Trẻ biếng ăn, ăn ít, môi xanh, niêm mạc mắt nhợt nhạt;
- Bắp thịt ở tay chân mềm nhão, bụng to dần;
- Hay bị rối loạn tiêu hóa;
- Thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng.
– Để sớm nhận biết được dấu hiệu trẻ bị suy dinh dưỡng bố mẹ nên thực hiện các việc sau:
+ Theo dõi sát chế độ ăn của trẻ xem bé có ăn hết suất và đủ bữa hay không.
+ Quan sát da, cơ, răng, tóc của trẻ xem có những thay đổi gì không.
+ Quan sát sự phát triển vận động của trẻ xem có bình thường như lật, ngồi, đứng chựng, đi… có đúng với lứa tuổi hay không.
+ Thường xuyên đưa trẻ đến cơ quan y tế để cân, đo chiều cao mỗi tháng 1 – 2 lần, điều này giúp phát hiện nhanh chóng tình trạng chậm tăng cân, chậm tăng chiều cao của trẻ.
+ Xem trẻ có thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng không.
Khi thấy trẻ có dấu hiệu bị suy dinh dưỡng, bố mẹ cần có cách điều trị và chăm sóc tại nhà cho trẻ bằng chế độ ăn uống bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Đặc biệt, trong giai đoạn này, sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ rất yếu vì vậy phải chú ý đến vệ sinh cá nhân cũng như môi trường sống để tránh các tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể.