8 giai đoạn “vàng” để nuôi dưỡng sở thích cho trẻ, bố mẹ đừng bỏ qua
Ngày: 14/03/2024

Ở mỗi một giai đoạn phát triển, trẻ sẽ hứng thú với một thứ gì đó một cách có ý thức. Nếu nắm bắt được thời kỳ nhạy cảm này, bố mẹ có thể nuôi dưỡng sở thích cho trẻ một cách hiệu quả. Sau đây là một số giai đoạn mà bố mẹ cần chú ý:

1. Giai đoạn trẻ bắt đầu nhận thức được ánh sáng

Từ 0 đến 3 tuổi là giai đoạn mà những em bé sơ sinh bắt đầu nhận thức về ánh sáng. Lúc này, trẻ cần phân biệt được ánh sáng ban ngày và ban đêm. Vì vậy, người mẹ cần mở rèm vào ban ngày và tắt đèn vào ban đêm để trẻ thích nghi dần với sự thay đổi ánh sáng tự nhiên. Người mẹ cũng thể làm điều tương tự khi cho trẻ nhìn nhiều hơn vào các bức tranh đen trắng.

2. Giai đoạn vị giác của trẻ trở nên nhạy cảm

Trẻ phân biệt được vị giác ở mức tốt nhất là từ lúc 6 đến 9 tháng tuổi. Hầu như tất cả đứa trẻ nào cũng đều thích thức ăn có vị ngọt và thơm, điều này có liên quan mật thiết đến sữa mà trẻ uống.

Một số trẻ ít hoặc không tiếp xúc với thức ăn có vị chua và đắng, sau này dễ trở nên kén ăn hơn. Vì vậy, người mẹ nên chú ý đến các loại thức ăn có vị ngọt tự nhiên, chỉ cho đường trong trường hợp cần thiết, đồng thời cho trẻ thử nhiều loại thức ăn khác nhau để thúc đẩy vị giác.

3. Giai đoạn trẻ tò mò, quan tâm tới mọi thứ xung quanh

Khi trẻ từ 1,5 đến 4 tuổi, chúng sẽ rất tò mò về mọi thứ xung quanh và thường làm những điều khiến bố mẹ cảm thấy khó hiểu. Trẻ có thể ngồi im hàng tiếng đồng hồ chỉ để quan sát những chú kiến đang bò, hay quan sát những chuyển động nhàm chán.

Trong giai đoạn này, khi trẻ đang tập trung quan sát thứ gì đó, bố mẹ đừng ngắt lời hay ngăn cản, hãy để trẻ tự mình khám phá những bí ẩn của thế giới.

4. Giai đoạn trẻ nhạy cảm với ngôn ngữ

Trẻ bắt đầu hiểu được ý nghĩa của ngôn ngữ từ 1,5 đến 3 tuổi. Trước 3 tuổi là thời điểm "vàng" để kích thích não bộ của trẻ phát triển nhanh. Lúc này, đọc sách là cách tốt nhất và hiệu quả nhất để phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Vì vậy bố mẹ cần nắm bắt được thời điểm này để khai phá tiềm năng ngôn ngữ của trẻ.

Trẻ cũng có thể nhận biết được các mặt chữ từ lúc 3 tuổi, điều này có thể thúc đẩy khả năng đọc sớm, tăng cường sự tự tin và mở rộng sự hiểu biết của trẻ về thế giới. Điều quan trọng là bố mẹ cần quan tâm chứ không phải ép buộc con mình phải biết đọc biết viết cho bằng được. Bố mẹ có thể dùng thẻ hoặc tranh ảnh cũng như một số trò chơi trí tuệ để kích thích trẻ hứng thú với ngôn ngữ hơn.

5. Giai đoạn trẻ phát triển tư duy logic

Khi trẻ bước vào độ tuổi lên 3, lên 4, chúng sẽ đặt "ngàn vạn câu hỏi vì sao" cho bố mẹ. Đôi khi có những câu hỏi mà ngay cả người lớn cũng không biết trả lời như thế nào để trẻ hiểu, chẳng hạn như: "Tại sao trời tối?", "tại sao trời mưa?", "tại sao máy bay lại bay trên trời?"...

Thông qua việc đặt câu hỏi như thế này, trẻ sẽ phát triển khả năng tư duy về thế giới. Bố mẹ nên bảo vệ sự tò mò này của con cái. Trong trường hợp nếu bố mẹ không giải đáp được những thắc mắc của trẻ thì có thể cùng tìm hiểu, điều này càng khiến trẻ ham học hỏi hơn.

6. Giai đoạn trẻ hình thành mối quan hệ cá nhân

Kể từ 4 tuổi, hầu hết những đứa trẻ đã bắt đầu biết trao đổi đồ chơi và thức ăn với nhau. Chúng cũng bắt đầu biết thích chơi với những bạn có cùng sở thích với mình. Đặc biệt, khi đi học mẫu giáo, trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn bè hơn, bản thân trẻ sẽ trải qua những mối quan hệ giữa các cá nhân.

Trong giai đoạn này, bố mẹ có thể đưa ra một số hướng dẫn về cách chơi với bạn bè như thế nào. Ngoài ra, bố mẹ có thể làm gương cho con cái thông qua những hành động của mình để chúng có thể bắt chước theo.

7. Giai đoạn trẻ nhạy cảm về giới tính

Trong quá trình phát triển, mỗi đứa trẻ sẽ có những khám phá khác nhau về cơ thể của chính mình và chúng tiếp tục học hỏi trong suốt cuộc đời.

Để trẻ có nhận thức đúng đắn về giới tính của bản thân, ngay khi bố mẹ nhận thấy con mình có những hiểu biết về sự khác biệt giới tính cũng là lúc cần nghiêm túc dạy dỗ trẻ. Lúc này, bố mẹ nên trả lời trung thực và rõ ràng các câu hỏi liên quan tới giới tính mà trẻ thắc mắc. Trẻ sẽ dần xác định được giới tính của mình thông qua trò chơi, quần áo, hoạt động…

8. Giai đoạn trẻ bộc lộ sự quan tâm tới hội họa và âm nhạc

Sự phát triển thính giác của một đứa trẻ bắt đầu từ trong bụng mẹ, khi chúng được 1 tuổi đã có thể nhún nhảy theo nhịp điệu âm nhạc. Hội họa cũng là cách mà một đứa trẻ thể hiện thế giới chúng cảm nhận được trên trang giấy. Mỗi một đứa trẻ sinh ra đều có khả năng thiên bẩm nghệ thuật.

Sau 2,5 tuổi, hầu hết trẻ em đều rất hứng thú với màu sắc và hình ảnh. Lúc này, bố mẹ nên khuyến khích trẻ vẽ bất cứ thứ gì chúng muốn, phát huy hết trí tưởng tượng của mình. Khi trẻ vẽ nguệch ngoạc trên giấy hình mặt trăng, con rắn, cây cối..., bố mẹ đừng vội chỉnh sửa hay chê bai. Đây là biểu hiện của một đứa trẻ có trí tưởng tượng phong phú, cần được đánh giá cao và khen ngợi.

Trường mầm non Việt Úc
vascanthovn@gmail.com