DINH DƯỠNG TÁC ĐỘNG ĐẾN CHIỀU CAO NHIỀU HƠN GEN DI TRUYỀN
Ngày: 07/08/2018

Dinh dưỡng ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Nhưng không phải mẹ nào cũng biết cách bổ sung dinh dưỡng phát triển chiều cao một cách tối ưu nhất. Còn có nhiều bà mẹ lại cho rằng chiều cao của trẻ là do di truyền từ bố mẹ nên không mấy quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng. Vậy dinh dưỡng ảnh hưởng thế nào đến chiều cao, sự phát triển và cân nặng của trẻ, chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

Nếu thiếu dinh dưỡng, cơ thể sẽ chậm lớn, chậm phát triển.

Một đứa trẻ bình thường, được nuôi dưỡng đầy đủ và hợp lý sau 6 tháng trọng lượng cơ thể sẽ tăng gấp 2 lần, sau 1 năm sẽ tăng gấp 3 lần, sau 2 năm tăng gấp 4 lần so với cân nặng lúc mới sinh. Sau đó mỗi năm sẽ tăng khoảng 2kg.

Chiều cao:

Trẻ sơ sinh có chiều cao trung bình 49-50 cm, đến 1 tuổi chiều cao tăng gấp 1,5 lần so với lúc mới sinh (khoảng 75cm), sau đó trung bình 1 năm sẽ tăng từ 5 – 7cm/ năm cho tới lúc dậy thì.

Dinh dưỡng tác động đến chiều cao hơn cả gien di truyền:

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ tác động trực tiếp lên sự tăng trưởng thể chất, tầm vóc và thể lực tối ưu. Dinh dưỡng đóng góp đến 32% chiều cao của người, trong khi di truyền (gen của ông bà, cha mẹ) chỉ góp 23%. Ngoài ra, 20% quyết định từ chế độ vận động, thể thao. Còn lại là yếu tố môi trường sống, ánh nắng mặt trời, bệnh tật, chủng ngừa,…

Trẻ phát triển cân nặng tốt thì chiều cao mới tăng trưởng đúng tiêu chuẩn. Chỉ cần 3 tháng liên tiếp không lên cân hay sụt cân thì trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng

Trong đời người có 3 giai đoạn chiều cao phát triển nhanh: trong bào thai, dưới 3 tuổi, giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. Đặc biệt, giai đoạn trẻ em là tiền đề quan trọng để phát triển chiều cao của mỗi người. Giai đoạn dậy thì là giai đoạn trẻ phát triển mạnh nhất về khối xương, cơ bắp. Sau khi dậy thì vài năm, chiều cao hầu như không tăng nhiều.

Trí não:

Sự phát triển của não bắt đầu từ thời kỳ bào thai, sau khi sinh tiếp tục phát triển nhanh, đến 2 tuổi đạt 75%. Đến 5 -6 tuổi đạt 90% trọng lượng não người lớn.

Từ 0 – 5 tuổi là thời kỳ hoàn chỉnh hệ thống thần kinh trung ương và vỏ não, quyết định năng lực trí tuệ tương lai của trẻ. Do đó, dinh dưỡng hợp lý, chăm sóc, giáo dục đầy đủ tạo điều kiện tốt cho trẻ phát triển và trưởng thành góp phần quan trọng trong việc tạo ra một thế hệ mầm non khỏe mạnh thông minh.

Dinh dưỡng ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ:

Dinh dưỡng trong bào thai và những năm đầu đời là yếu tố quan trọng để hình thành, phát triển não bộ và hoàn thiện hệ thần kinh. Chế độ ăn hàng ngày cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho hoạt động của trí não và kích thích quá trình ghi nhớ, sáng tạo. Tình yêu thương, các mối quan hệ tốt đẹp trong môi trường lành mạnh sẽ nuôi dưỡng cảm xúc và cân bằng tâm lý cho trẻ. Kết quả của quá trình học tập và rèn luyện chịu tác động rất lớn từ môi trường giáo dục, sự phấn đấu của bản thân. Vì vậy, để phát triển tốt về tư duy trí tuệ, trẻ cần chế độ dinh dưỡng hợp lý bên cạnh các hoạt động, trò chơi, môi trường giáo dục và điều kiện để trao dồi kỹ năng toàn diện.

Trường mầm non Việt Úc
vascanthovn@gmail.com